Với ưu điểm phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của Sơn La, dễ gieo trồng, dễ chăm sóc, cho thu nhập khá nên cây ngô là cây lương thực chủ lực của tỉnh trong những năm gần đây. Người dân ngày càng chú trọng đầu tư thâm canh tăng vụ, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất vì thế diện tích gieo trồng, sản lượng ngô của tỉnh ngày càng tăng nhanh
Hiện nay, diện tích ngô của tỉnh ổn định trong khoảng 130 nghìn ha, tăng gấp 5 lần so với năm 1995. 97% diện tích gieo trồng bà con sử dụng các giống ngô lai, năng suất cao như LVN10, LVN17, CP888, CP989, CP333... Năm 2010, sản lượng đạt 417 nghìn tấn chiếm hơn 60% tổng sản lượng lương thực có hạt của tỉnh. Đến hết tháng 8 năm nay, toàn tỉnh thu hoạch được 24.580 ha ngô xuân hè, năng suất bình quân 3,7 tấn/ha, sản lượng ước đạt hơn 91 nghìn tấn. Năng suất ngô đạt cao tập trung chủ yếu ở những địa bàn có điều kiện thâm canh và những vùng chuyên canh sản xuất ngô hàng hóa như Thành phố, Mai Sơn, Sông Mã...
      Trên địa bàn tỉnh hiện có 160 cơ sở sấy ngô với công suất từ 8-30 tấn/mẻ, thu mua khoảng 80% sản lượng ngô toàn tỉnh. Các cơ sở chỉ dừng ở việc sấy khô ngô hạt làm nguyên liệu bán về xuôi cho các cơ sở chế biến khác, chưa có cơ sở chế biến sản phẩm từ ngô, chính vì vậy hoạt động thu mua này không đảm bảo tính ổn định, bền vững lâu dài cho nông dân trồng ngô.
      Cây ngô ở Sơn La chủ yếu là trồng ở trên nương phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, đặc biệt là thời tiết và khí hậu. Do địa hình dốc nên trồng ngô trên nương phụ thuộc nhiều vào “nước trời”, khi gặp thời tiết không thuận lợi thì nguy cơ mất mùa rất lớn. Độ dốc lớn, hiện tượng xói mòn, rửa trôi, thoái hóa đất rất lớn, làm giảm năng suất, hiệu quả trong sản xuất ngô. Trình độ canh tác ngô của nông dân còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa nông dân vẫn gieo trồng theo tập quán quảng canh. Khâu thu hoạch và bảo quản ngô chưa được quan tâm đúng mức, làm giảm chất lượng sản phẩm. Đây là những vấn đề đặt ra đối với cây ngô ở Sơn La.
      Để cây ngô ở Sơn La phát triển bền vững cần tập trung vào các giải pháp về kỹ thuật như chọn và tạo giống tốt, chịu được thuốc trừ cỏ, kháng sâu bệnh; thử nghiệm nhiều dòng giống ở các vùng sinh thái khác nhau. Điều chỉnh khoảng cách gieo trồng phù hợp với đặc điểm của tán lá ngô, sử dụng phân bón cân đối, các biện pháp canh tác ngô trên đất dốc, mở rộng biện pháp trồng xen gối với cây họ đậu, phòng trừ sâu bệnh bằng hệ thống quản lý dịch hại, sử dụng các kỹ thuật và biện pháp thích hợp trừ sâu bệnh cho cây ngô. Gắn cơ sở chế biến với vùng sản xuất ngô. Quản lý chặt chẽ các tổ chức, đơn vị được giao sản xuất, kinh doanh ngô giống đảm bảo cung ứng giống ngô đạt tiêu chuẩn chất lượng và vật tư phân bón cho sản xuất. Chú trọng đầu tư thâm canh, đưa giống mới vào sản xuất tăng năng suất lên 5 tấn/ha vào năm 2012. Ngoài ra, củng cố mạng lưới các CLB khuyến nông cơ sở, tăng cường công tác đào tạo tập huấn cho nông dân, khuyến cáo nhân rộng các mô hình sơ chế, bảo quản nông sản quy mô nhỏ.
      Để cây ngô thực sự là cây lương thực chủ đạo, xóa đói giảm nghèo cho dân cần có sự vào cuộc nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành chức năng./.
Theo Báo Điện Tử Sơn La

0 nhận xét:

Đăng nhận xét